DANH MỤC

EnglishVietnamese

Kỷ niệm 70 năm ngày TBLS và 41 năm ngày thành lập Trung tâm

Sáng 27/7/2017, Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày TBLS (27/7/1947 – 27/7/2017) và 41 năm ngày thành lập Trung tâm tâm (27/7/1976 – 27/7/2017), kết hợp tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2017.

Tại buổi lễ, toàn thể cán bộ, viên chức đã giành một phút mặc niệm các anh hùng liệt sỹ, được ôn lại truyền thống vẻ vang, bất khuất của các thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu vì dân tộc và ôn lại truyền thống phát triển của đơn vị qua 41 năm xây dựng, trưởng thành qua bài diễn văn kỷ niệm. Giám đốc đã trao những phần quà ý nghĩa tới gia đình liệt sỹ (02 cán bộ và 04 đối tượng là con liệt sỹ).

Trong nội dung sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2017, cán bộ, viên chức được đại diện lãnh đạo thông qua báo cáo hoạt động 6 tháng, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017. Hai đồng chí viên chức được khen thưởng vì đã có thành tích xuất sắc trong Quý II năm 2017.

Buổi lễ tuy ngắn gọn nhưng rất trang trọng, ý nghĩa và xúc động đối với toàn thể cán bộ, viên chức trong đơn vị. Sau đây là nguyên văn bài diễn văn kỷ niệm tại buổi lễ:

“Thưa toàn thể các đồng chí cán bộ nhân viên đơn vị!

Đầu năm 1946 “Hội giúp binh sỹ bị thương” do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Hội trưởng được thành lập. Hội đã tổ chức buổi quyên góp, ủng hộ quần áo, giầy mũ cho chiến sỹ ngoài mặt trận. Mở đầu cuộc vận động “Mùa đông chiến sỹ”, Hồ Chủ tịch đã cởi chiếc áo rét của Người đang mặc để tặng binh sỹ… Ngày 19/12/1946 kháng chiến toàn quốc bùng nổ, chiến tranh lan ra nhiều vùng trong cả nước. Trong cuộc kháng chiến đã có nhiều người bị thương và hy sinh; mặt khác đời sống của chiến sỹ nói chung, những chiến sỹ bị thương nói riêng còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn… Trước tình hình đó Đảng và Nhà nước ta đã quyết định nhiều chính sách quan trọng về công tác thương binh, liệt sỹ góp phần ổn định đời sống tinh thần và vật chất của thương binh, gia đình liệt sỹ trong thời kỳ đầu của cuộc chiến chống thực dân Pháp.

Tháng 6 năm 1947 tại Hội nghị “Tổng bộ Việt Minh” họp tại Đại Từ – Bắc Thái đã thống nhất lấy ngày 27/7/1947 làm Ngày thương binh toàn quốc. Đến năm 1955, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định đổi tên ngày ‘Thương binh toàn quốc’ thành “Ngày thương binh liệt sĩ’ nhằm thể hiện đầy đủ hơn tình cảm của Đảng, nhà nước cùng nhân dân đối với tất cả những người đã hy sinh xương máu của mình cho Tổ quốc. Từ đó cho đến nay, ngày 27/7 hàng năm đã trở thành ngày cả nước tưởng nhớ, ghi ơn công lao của những liệt sỹ và thương bệnh binh đã hy sinh xương máu và một phần thân thể để đất nước được hoà bình độc lập.

Thưa các đồng chí!

Trải qua hai cuộc chiến tranh thần thánh, để có được sự bình an cho ngày hôm nay, dân tộc ta đã phải chịu một sự mất mát rất lớn, đã có biết bao những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh nơi chiến trường, biết bao những chiến sỹ đã mất một phần thân thể của mình ngoài mặt trận, nhiều bà mẹ đã vĩnh viễn mất đi những đứa con yêu dấu, nhiều người vợ đã mất đi những người chồng tin cậy, những người con đã mất đi những người cha đáng kính… Hơn thế nữa hậu quả của chiến tranh còn để lại cho nhiều thế hệ sau này, gây ra nỗi đau đớn vô hạn cho những gia đình có người thân bị nhiễm chất độc hoá học… Hậu quả của chiến tranh khốc liệt là vậy. Nhưng trước truyền thống của một đất nước anh hùng, một dân tộc bất khuất, nhân dân ta đã nỗ lực phấn đấu dưới sự dìu dắt của Đảng, từng bước đưa đất nước tiến lên theo con đường đổi mới, góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh và văn minh.

Trong suốt 70 năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đối với người có công với cách mạng; các cấp các ngành từ trung ương đến địa phương, các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân đã tổ chức kịp thời, hiệu quả, tích cực tham gia các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công và gia đình người có công, góp phần giữ vững ổn định chính trị – xã hội, có tác dụng sâu sắc trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng Việt Nam. Thực hiện đúng lời dạy của Bác: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sỹ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu giúp đỡ họ…”

Nhân kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sỹ, chúc các đồng chí là thân nhân gia đình liệt sỹ luôn phát huy truyền thống gia đình cách mạng, cố gắng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng đơn vị ngày càng vững mạnh.

Thưa các đồng chí!

Sau khi đất nước ta được hoàn toàn độc lập, non sông Việt Nam trở về một mối, thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam. Đảng và Nhà nước ta đã Quyết định thành lập các cơ sở nuôi dưỡng bố, mẹ và con liệt sỹ khuyết tật không người nương tựa.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, ngày 27/7/1976 Bộ Thương binh và Xã hội có Quyết định số 452/QĐ-TBXH thành lập Trung tâm phục hồi chức năng lao động con liệt sỹ, tiền thân của Trung tâm phục hồi chức năng người khuyết tật Thuỵ An ngày nay. Ngày 27/7/1976 đã trở thành mốc son lịch sử đánh dấu sự hình thành và phát triển của đơn vị.

Qua 03 lần đổi tên: năm 1985 đổi tên thành Trung tâm phục hồi chức năng trẻ tàn tật Hà Nội; năm 1995 đổi tên thành Trung tâm phục hồi chức năng trẻ tàn tật Thuỵ An; ngày 08/01/2016, đổi tên thành Trung tâm PHCN người khuyết tật Thụy An và có chức năng, nhiệm vụ: Khám bệnh, điều trị, PHCN đối với người khuyết tật, người có công với cách mạng, trẻ tự kỷ, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người cao tuổi; chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề đối với người khuyết tật và các đối tượng khác có nhu cầu.

Qua 41 năm phấn đấu, xây dựng và phát triển, được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương, Trung tâm đã đạt được kết quả đáng khích lệ; đã xây dựng được mô hình PHCN toàn diện, khép kín bao gồm: PHCN thể chất (y học), PHCN trí tuệ (giáo dục), PHCN nghề nghiệp và công tác xã hội; giúp người khuyết tật phục hồi những khiếm khuyết, phát huy hết khả năng để họ có thể tự phục vụ, học tập và lao động đóng góp cho gia đình, xã hội.

Sự nỗ lực không ngừng của cán bộ, nhân viên Trung tâm qua các thời kỳ, đơn vị đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng như: Chi bộ Đảng giữ vững 22 năm liền là cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh; Huân chương Chiến công hạng ba năm 1983; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Độc lập hạng 3 năm 2012; 06 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 02 lần được nhận Cờ thi đua của Chính phủ; 13 lần được Bộ LĐTBXH tặng Cờ thi đua xuất sắc ; 06 lần Bộ trưởng Bộ LĐTBXH tặng Bằng khen… Ngoài ra, đối với cá nhân có 02 đồng chí được tặng Huân chương Lao động hạng 3; 07 đồng chí được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 110 đồng chí được Bộ trưởng tặng Bằng khen; 39 đồng chí được trao tặng Huy chương vì sự nghiệp LĐTBXH; 05 đồng chí được tặng Huy chương, kỷ niệm chương vì thế hệ trẻ; 05 đồng chí được tặng Huy chương vì sự nghiệp xây dựng tổ chức công đoàn; 01 đồng chí vinh dự được là đại biểu dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX năm 2015…

Thưa các đồng chí

Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sỹ và 41 năm ngày truyền thống của đơn vị; thay mặt cho Cấp uỷ Đảng, Ban lãnh đạo đơn vị đề nghị toàn thể cán bộ, viên chức Trung tâm kế thừa phát huy những thành tích đã đạt được trong 41 năm qua, nỗ lực thi đua phấn đấu là đơn vị luôn đoàn kết, hoàn thành tốt nhiệm vụ Bộ giao, hoàn thiện mô hình PHCN chuyên nghiệp toàn diện cho người khuyết tật ở Việt Nam và khu vực. Xây dựng Trung tâm là địa chỉ tin cậy, hấp dẫn người khuyết tật.

Chúc toàn thể các đồng chí cán bộ, viên chức, nhân viên trong đơn vị Mạnh khoẻ – Hạnh phúc và Thành đạt!”.

Một số hình ảnh tại buổi lễ:

CÁC TIN LIÊN QUAN

THÔNG TIN LIÊN HỆ

● Địa chỉ: xã Thụy An, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội
● Điện thoại: +84 2433965366 * +84 2433965378
● Hotline: +84 984258991
● Email: thuyancentre@yahoo.com,
phcnthuyan@molisa.gov.vn
● Website: www.thuyancentre.vn
● Fanpage: https://fb.com/trungtamthuyan

Bản đồ