DANH MỤC

EnglishVietnamese

Trung tâm Thụy An: 1 địa chỉ thân thiện giúp trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng

Cách thủ đô Hà Nội 50km về phía tây, với hành trình hơn một giờ đồng hồ, chúng ta sẽ đến với Trung tâm phục hồi chức năng trẻ khuyết tật Thụy An. Được thành lập năm 1976 (thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), nằm trên địa bàn xã Thụy An – huyện Ba Vì – Thành phố Hà Nội, một vùng đất bán sơn địa dưới chân núi Ba Vì với tổng diện tích là 37400m2; cùng với hệ thống cây xanh đa dạng và cơ sở hạ tầng khang trang, sạch đẹp. Đây là nơi rất phù hợp cho việc phục hồi chức năng (PHCN) khép kín, toàn diện về thể chất và tinh thần cho trẻ em khuyết tật. Với chức năng nhiệm vụ là tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng, chỉnh hình, PHCN, giáo dục hướng nghiệp dạy nghề cho trẻ khuyết tật là đối tượng con liệt sỹ, thương bệnh binh, trẻ em bị khuyết tật do di chứng của chất độc da cam và con gia đình nghèo ở các tỉnh thành phía Bắc.

Hoạt động PHCN về thể chất vận động: với đội ngũ y bác sỹ, kỹ thuật viên có nhiều năm kinh nghiệm, được đào tạo cơ bản, làm việc có kỷ cương, tình thương, trách nhiệm, thái độ ân cần, giàu lòng nhân ái được thể hiện qua việc điều trị PHCN, chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ, tắm giặt… Trung tâm đã áp dụng các phương pháp kỹ thuật tập vận động PHCN, hoạt động trị liệu, chỉnh hình, dụng cụ trợ giúp và vật lý trị liệu (điện xung, sóng ngắn, sóng cao tần, siêu âm, lazer, kéo dãn cột sống, điện châm…). Điều đó đã giúp các em PHCN vận động nhanh nhất.

Kết hợp với PHCN về thể chất là phục hồi về trí tuệ. Đây chính là hình thức PHCN về tinh thần, nghề nghiệp cho trẻ khuyết tật. Sự kết hợp chặt chẽ này đã được áp dụng hơn 30 năm qua và bước đầu tạo lên một mô hình khép kín tại Việt Nam theo mô hình PHCN của thế giới. Với đội ngũ giáo viên được đào tạo cơ bản chuyên ngành giáo dục đặc biệt, trong đó nhiều giáo viên có thâm niên giảng dạy trẻ em tàn tật, giàu kinh nghiệm, hiểu tâm sinh lý của trẻ ở mọi lứa tuổi và các dạng tật khác nhau. Tập thể giáo viên luôn yêu nghề, mến trẻ, có tâm huyết và tình thương đối với trẻ khuyết tật, kém may mắn. Với tinh thần đó, hàng năm đã tổ chức dạy văn hóa (theo chương trình giáo dục đặc biệt) và dạy chức năng sinh hoạt cho 60 – 70 em khiếm thính và chậm phát triển trí tuệ; Tổ chức cho 30 – 40 em tham gia học hòa nhập tại các trường phổ thông (từ tiểu học đến THPT) trên địa bàn. Nhiều em đã đỗ vào các trường đại học, cao đẳng và công tác tại các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp.

Với các em có khả năng học nghề, Trung tâm đã tổ chức hướng nghiệp dạy nghề cho 50 – 60 em/năm với các nghề như: may, thêu, dệt len, tin học văn phòng, gần đây Trung tâm đã mở thêm lớp dạy làm hương với sản phẩm Hương thơm đậu tàn 3T, đã có được chỗ đứng trên thị trường. Do vậy, sau khi về địa phương hòa nhập cộng đồng, các em đã tự lập cuộc sống bằng chính nghề đã được học tại Trung tâm.

Sau gần 35 năm thành lập, trung tâm đã đón nhận và PHCN cho hơn 2000 trẻ em tàn tật (trong đó có 1675 trường hợp nội trú và 1052 trường hợp ngoại trú). Lưu lượng hàng năm từ 150 đến 170 cháu. Ngoài ra, Trung tâm còn khám và tư vấn cho rất nhiều gia đình có trẻ em bị khuyết tật khác.

Để giúp các em có cơ hội thể hiện năng lực cá nhân và giao tiếp xã hội, bằng các hoạt động như văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Hàng năm, chi đoàn thanh niên tổ chức nhiều chương trình giao lưu văn hóa văn nghệ với các đơn vị trên địa bàn, sinh viên các trường cao đẳng, đại học và các đoàn tình nguyện viên quốc tế. Các hoạt động này đã tạo không khí vui tươi, phấn khởi, góp phần tích cực vào công tác PHCN toàn diện cho các em.

Với thành tích đó, Trung tâm đã được nhận nhiều huân huy chương, bằng khen và cờ thi đua của Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội như: Huân chương Chiến công hạng ba; Huân chương lao động hạng nhất, nhì, ba; 01 Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ; 07 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; 09 lần được Bộ LĐTB&XH tặng bằng khen…

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung tâm tiếp tục nâng cấp và sửa chữa nhà ở cho bệnh nhân nặng, mua sắm thêm trang thiết bị, cử nhiều cán bộ đi học nâng cao nghiệp vụ. Do đó chất lượng cuộc sống và điều kiện chăm sóc, PHCN được nâng cao, tăng thêm niềm tin cho người khuyết tật và gia đình của họ.

Trong thời gian tới, với định hướng phát triển trung tâm ngày càng chuyên nghiệp trong lĩnh vực PHCN, đơn vị tiếp tục cử cán bộ đi học nâng cao nghiệp vụ, tiếp nhận cán bộ có trình độ chuyên môn, xây dựng cơ sở hạ tầng và đầu tư trang thiết bị hiện đại, mở rộng quy mô hoạt động nhằm đạt được hiệu quả cao nhất trong công tác PHCN cả về thể chất và tinh thần cho người khuyết tật, giúp họ xóa đi mặc cảm, tự tin hòa nhập cộng đồng. Để làm được điều đó, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các ngành, các cấp, các tập thể, cá nhân cùng chung tay chia sẻ với những khó khăn, những thiệt thòi mà trẻ em khuyết tật tại Trung tâm nói riêng và người khuyết tật nói chung đang từng giờ, từng ngày phải chịu đựng. Họ đang cần lắm những Trung tâm phục hồi chức năng mang tính chuyên nghiệp cao, trong đó đầy ắp những tình thương, lòng nhân ái và tính nhân văn của người Việt Nam!

Theo Báo Lao Động Xã Hội – ngày 07/11/2010

CÁC TIN LIÊN QUAN

THÔNG TIN LIÊN HỆ

● Địa chỉ: Thôn Áng Đông, xã Quảng Oai, TP. Hà Nội
● Điện thoại: +84 2433965366 * +84 2433965378
● Hotline: +84 984258991
● Email: thuyancentre@yahoo.com
● Website: www.thuyancentre.vn
● Fanpage: https://fb.com/trungtamthuyan

Bản đồ