DANH MỤC

EnglishVietnamese

HỒN TRANH ĐÁ QUÝ TRÊN ĐÔI TAY TẬT NGUYỀN

Không chỉ đơn giản là sự phối màu mà từng đường nét, bố cục và đặc biệt là cái hồn của một bức tranh, đem theo sự sống động của thiên nhiên. Những viên đá quý lấy từ “vùng đất ngọc” Lục Yên – Yên Bái dường như đẹp hơn, sống động hơn dưới bàn tay tài hoa của người khiếm khuyết… Chúng tôi đã cảm nhận được điều đó khi đến thăm Trung tâm phục hồi chức năng trẻ tàn tật Thụy An (thuộc Bộ LĐTB&XH)…

Đôi tay bụi đá!

Trung tâm phục hồi chức năng trẻ tàn tật Thụy An.có nhiệm vụ tiếp nhận, nuôi dưỡng, chữa bệnh, phục hồi chức năng, giáo dục và hướng nghiệp dạy nghề cho trẻ em khuyết tật các tỉnh, thành phố phía Bắc. Cùng với các nghề may, thêu, hoa lụa và se hương, nghề làm tranh đá quý ngày càng chiếm vị trí chính yếu trong các nghề ở Trung tâm.

Ông Trần Văn Lý – Giám đốc Trung tâm cho biết, Trung tâm muốn có nhiều nghề cho các cháu khuyết tật lựa chọn theo học tùy với khả năng của mình. Do đó, khi đi thăm quan các làng nghề và nhận thấy làm tranh đá quý là nghề mà các cháu khuyết tật có thể làm được. Sau đó, Trung tâm được nhận sự giúp đỡ từ cơ sở làm tranh đá quí Vietgem – đào tạo miễn phí cho các cháu theo học nghề tranh đá quý. Chính vì vậy, Trung tâm càng quyết tâm hơn trong việc đưa tranh đá quý về với các em khuyết tật …

Tháng 3/2010, Trung tâm đã cử một cô giáo cùng ba em khuyết tật đi học làm nghề tranh đá quý. Sau khi kết thúc khóa học, tháng 7/2011 xưởng tranh đá quý tại Trung tâm chính thức hoạt động. Lớp tranh đá quý của Trung tâm hiện nay có 6 thành viên. Mặc dù mỗi người đều mang trên mình những khuyết tật khác nhau nhưng tất cả đều vượt lên hoàn cảnh của mình để mỗi năm cho ra hàng trăm sản phẩm có giá trị.

Anh Nguyễn Đức Thể – một thành viên của lớp bị mất 81% sức khỏe do ảnh hưởng từ chất độc mầu da cam cho biết, trong năm đầu tiên đến Trung tâm anh chủ yếu tập phục hồi, sang năm thứ hai anh bắt đầu học và làm nghề se hương rồi sau đó anh được cử đi học làm tranh đá quý.

Anh Nguyễn Đức Thể

Anh Thề kể: “Những tháng đầu tiên đi học nhiều khi rất muốn bỏ cuộc vì việc học quả thật gian nan và vất vả. Đi học lạ mọi thứ, từ ăn uống tới giờ giấc sinh hoạt rồi môi trường sống. Đặc biệt mùi keo làm tranh rất kinh khủng, lúc mới vào học ai trong nhóm cũng chảy nước, mắt nước mũi vì mùi keo, nhiều người còn bị ốm. Nhưng rồi cả nhóm đều vượt qua để hoàn thành khóa học”.

Kể về số phận của mình, Nguyễn Thị Thương – một cô bé bị khiếm thính, chia sẻ: “Hồi nhỏ em ở với bà ngoại do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ngày ngày hai bà cháu phải đi ăn xin để sinh sống. Sau khi bà mất, em được đưa vào sống trong trung tâm bảo trợ Yên Bái. Đến năm 2009, em chuyển về Trung tâm phục hồi chức năng trẻ tàn tật Thụy An . Thời gian đầu ở trung tâm em chỉ học văn hóa nhưng từ khi có lớp tranh đá quý em chuyển hẳn sang học nghề này”.

Nguyễn Thị Thương

Thương cũng cho biết, khi mới tham gia lớp tranh đá quý em khá nhút nhát, sống khép kín, hầu như ít quan hệ với bạn bè. Tuy nhiên, với những tình cảm thân thành và sự động viên từ các thành viên trong lớp, Thương bắt đầu sống hòa nhập hơn với mọi người. Trong quá trình học, Thương tỏ ra là người rất có tố chất, nhìn bức tranh, đọc bức tranh, đọc màu đọc bột là có thể biết bức tranh này làm như thế nào. Chỉ cần hướng dẫn một hai lượt là biết làm. Thương làm tranh rất là đẹp và có hồn.

Mùa hoa đá nở!

“Nói về tranh đá quý không chỉ đơn giản là sự phối màu như tranh vẽ mà từng đường nét, bố cục và đặc biệt là cái hồn của một bức tranh nổi, đem theo sự sống động của thiên nhiên làm cho người xem có cảm giác như mình đang đứng trước một không gian thu nhỏ – đó chính là tâm hồn của người nghệ sĩ”- anh Thể tâm sự: Quả thật, dưới bàn tay tài hoa của người khiếm khuyết, những viên đá quý lấy từ “vùng đất ngọc” Lục Yên – Yên Bái dường như đẹp hơn, sống động hơn…

Gian hàng trừng bày sản phẩm tranh đá quý của Trung tâm

Tranh đá quý do các em ở Trung tâm làm ra đều hết sức tinh xảo, gắn kết chắc chắn và giá cả phải chăng: Cỡ tranh nhỏ 20cm x 30cm có giá từ 450 nghìn đến 500 nghìn đồng; cỡ 30cm x 40cm là 800.000 đồng; cỡ 40cmx 50cm là 1 triệu đồng. Ngoài ra, các em còn sản xuất những bức tranh lớn theo đơn đặt hàng với giá 4 – 5 triệu đồng.

“Khi triển khai Dự án này chúng tôi phải đối mặt với không ít khó khăn, những ý kiến hoài nghi về sự thành công của dự án và kèm với đó là những khó khăn về cách tổ chức sản xuất, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, dụng cụ, nguyên liệu…Nhưng với niềm tin và sự quyết tâm của ban lãnh đạo Trung tâm, cùng với sự cố gắng của các cháu được lựa chọn theo học làm tranh đá quý thì đến nay Trung tâm đã đạt được những thành công bước đầu khi sản phẩm của Trung tâm được thị trường đón nhận…”- Giám đốc Trung tâm, ông Trần Văn Lý chia sẻ.

Hiện nay tranh đá quý của Trung tâm đã và đang được bán và giới thiệu ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước và được khách hàng rất ưa chuộng. Hàng năm Trung tâm tiêu thụ được hằng trăm sản phẩm với doanh số hàng chục triệu đồng. Đây là số tiền không hề nhỏ với một trung tâm xã hội, song quan trọng hơn là các em được hòa nhập, tự tin với công việc và cuộc sống của mình.

Tạp chí Doanh nhân và Pháp luật
Ấn phẩm của Báo Pháp luật Việt Nam
Số 19 (121) (20 – 5- 2013)
Đặng Tuấn

CÁC TIN LIÊN QUAN

THÔNG TIN LIÊN HỆ

● Địa chỉ: xã Thụy An, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội
● Điện thoại: +84 2433965366 * +84 2433965378
● Hotline: +84 984258991
● Email: thuyancentre@yahoo.com,
phcnthuyan@molisa.gov.vn
● Website: www.thuyancentre.vn
● Fanpage: https://fb.com/trungtamthuyan

Bản đồ