DANH MỤC

EnglishVietnamese

Vietnam Got Talent – Nhóm Energy: Vào Top 3 là một niềm vui lớn

Những giọt nước mắt của Energy khi chia tay Vietnam Got Talent không khỏi khiến người xem phải mủi lòng vì một kết thúc xúc động. Ai cũng phải nghiêng mình trước nghị lực và tinh thần lạc quan của các em khi đến với cuộc thi. Nhưng phía sau đêm công bố còn có những câu chuyện cảm động hơn rất nhiều lần về Trung tâm phục hồi chức năng trẻ tàn tật Thụy An, Ba Vì, Hà Nội. Cuộc trò chuyện cùng các thầy cô của Trung tâm (cô Nguyễn Thị Thu Hà – giáo viên, cô Phùng Thị Dung – hướng dẫn biên đạo, thầy Vũ Trọng Quỳnh – Trưởng đoản và các cán bộ khác) còn cảm động hơn những giây phút “lặng người” trên sân khấu.

Chào chị Hà! Đại diện các thầy cô của các bạn khiếm thính Energy đến với cuộc thi Vietnam Got Talent, chị có cảm xúc thế nào với kết quả vừa rồi không?

Hiện tại mình cảm thấy rất vui! Việc các em vào được Top 3 là một thành công ngoài sức mong đợi của nhóm và của mình, không ngờ các em nhận được nhiều tình cảm của khán giả đến vậy.

Nhưng việc nhìn thấy các em khóc trên sân khấu khiến nhiều khán giả phải xót xa. Các anh chị có cảm thấy buồn vì các em phải chia tay cuộc thi không?

Thật ra các thầy cô ở đây cảm thấy tự hào nhiều hơn, vì các em đã làm hết sức những gì mình có thể. Các em đến với chưong trình cũng chỉ mong muốn được biểu diễn cho mọi người xem.

Vậy cảm xúc của các thầy cô vào thời điểm công bố Top 3 và Top 2 có gì khác không?

Ngay phút được biết các em vào được Top 3, cảm xúc của chúng tôi khó tả lắm, chỉ muốn hét thật to để tất cả mọi người cảm nhận được niềm vui đó lớn như thế nào, muốn hét thay cho các em luôn. Và thật sự kết quả cuối cùng có làm mình chùn người xuống một chút, nhưng như vậy cũng là vừa đủ rồi.

Khi đến với chương trình, việc biên đạo tiết mục nhảy cho các em cũng như việc luyện tập có gặp khó khăn gì không chị? Ai là người biên đạo chính để hướng dẫn các em?

Để đến với chương trình, không có ai là biên đạo chính cho nhóm cả. Sau thời gian dạy văn hóa, dạy nghề cho các em, các thầy cô thay nhau để hướng dẫn. Đây cũng như là một hoạt đông văn hóa văn nghệ giúp các em giải trí. Thầy cô chúng tôi chia nhau mỗi người một nhóm để tập cho từng em, sau khi mỗi em nhuần nhuyễn rồi mới bắt đầy ráp lại thành một bài hoàn chỉnh.

Việc luyện tập này mất khoảng bao lâu vậy chị?

Các em chập chững tập khoảng 3 tháng, tính từ khi được biết đến thông tin có chương trình Vietnam Got Talent.

Quả thật là một kỳ công đối với các thầy cô và các em! Có thể nói, đến được vòng Bán kết thì các em đã là tài năng và cũng đã có những phút giây tỏa sáng trên sân khấu. Chị nghĩ sao nếu các em được mời biểu diễn tài năng ở một số sự kiện khác?

Điều này hoàn toàn được thôi, vì đó là cơ hội tạo điều kiện giúp các em hòa nhập cộng đồng tốt hơn. Thật sự, việc chúng tôi đang làm là dạy văn hóa và dạy nghề cho các em để sau này có thể tự tạo lập cuộc sống riêng cho mình, cho nên bất kỳ cơ hội nào giúp các em tự tin và sống tốt như một người bình thường thì chúng tôi đều không từ chối.

Những lời chia sẻ vừa rồi cho thấy các thầy cô rất tâm huyết khi đến với Trung tâm phục hồi chức năng trẻ tàn tật Thụy An, Ba Vì, Hà Nội. Vậy điều gì đã khiến bản thân chị và các thầy cô gắn bó với các em tại trung tâm?

Điều gắn bó chúng tôi với các em đó là cảm giác các em có sự ngây thơ và trong sáng đến khó tin, mà bản thân tôi và các thầy cô khó bắt gặp ở những đứa trẻ khác. Các em khiếm thính ở đây chỉ là một nhóm của trung tâm thôi, ở nhà còn có nhiều nhóm khác, như trẻ bại não, bại liệt, trẻ nhiễm chất độc màu da cam. Chúng tôi cảm thấy vui khi được cố hết sức mình để các em có được cơ hội hạnh phúc như bất cứ người bình thường nào đang có.

Dường như câu chuyện của Energy chỉ là một mảnh ghép của nhiều trường hợp cảm động khác tại trung tâm. Ban đầu đến với trung tâm, bản thân chị và các thầy cô chắc phải gặp rất nhiều khó khăn?

Bản thân tôi làm việc ở đây được 3 năm, còn cô Phùng Thị Dung (người đứng hướng dẫn các em nhảy sau cánh gà) đã được 5 năm. Lâu hơn nữa là anh xã tôi Vũ Trọng Quỳnh đã ở cùng các em suốt 10 năm nay. Khó khăn ban đầu thì ai cũng từng trải qua hết, đầu tiên là việc “bất đồng ngôn ngữ”. Vượt qua một thời gian dài tự học và học từ các em thì mới giao tiếp tốt để hướng dẫn các em một cách hiệu quả. Thật sự ở với các em lâu rồi, một ngày không đến trường là nhớ lắm. Có lần tôi bị bệnh quai bị, phải cách ly một tuần, được 1 — 2 ngày lại lén về trung tâm thăm các em nhưng bị các thầy cô bắt về vì sợ lây cho các em.

Để duy trì được trung tâm, nguồn quỹ và tổ chức hoạt động là điều quan trọng nhất. Chị có thể chia sẻ thêm về việc này không?

Về ngân sách thì trung tâm nhận được sự hỗ trợ từ nhà nước là chủ yếu, thỉnh thoảng vẫn có các mạnh thường quân, một số tổ chức, cá nhân đến thăm và giúp đỡ. Những khi có nguồn hỗ trợ từ các tổ chức cá nhân thì các em được ăn ngon hơn, mức sống cao hơn. Ngoài ra, trung tâm có mô hình khép kín bằng cách tự nuôi trồng, tự đáp ứng nhu cầu, mà việc này chỉ có cán bộ, thầy cô mới làm thôi, các em chỉ cần tập trung cho việc học. Các em được chăm sóc trong mô hình khép kín từ sức khỏe, học văn hóa và học nghề. Về học nghề thì chúng tôi dạy các cháu làm tranh đá quý, thêu, tin học văn phòng…
Rất cảm ơn chị đã có một cuộc chia sẻ rất cảm động với chương trình. Dù chia tay cuộc chơi, nhưng hình ảnh của nhóm Energy vẫn sẽ luôn đậm nét trong lòng người xem. Chúc các thầy cô thật nhiều sức khỏe để có thể tiếp tục công việc của mình tại trung tâm.

Sự xuất hiện của nhóm Energy như một điển hình của ý chí phi thường, cũng là mong muốn của nhiều trẻ khuyết tật đang khao khát một sân chơi của riêng mình. Vietnam Got Talent (do P&G tài trợ) không chỉ là nơi của ước mơ và tài năng, mà còn là nơi của những câu chuyện cuộc sống đầy cảm động.

Theo: www.vietnamgottalent.vtv.vn
Sưu tầm: Vũ Trọng Quỳnh

CÁC TIN LIÊN QUAN

THÔNG TIN LIÊN HỆ

● Địa chỉ: xã Thụy An, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội
● Điện thoại: +84 2433965366 * +84 2433965378
● Hotline: +84 984258991
● Email: thuyancentre@yahoo.com,
phcnthuyan@molisa.gov.vn
● Website: www.thuyancentre.vn
● Fanpage: https://fb.com/trungtamthuyan

Bản đồ