Tại diễn đàn, 188 trẻ em đại diện cho 25 triệu trẻ em trên cả nước đã cùng thảo luận về 5 nhóm vấn đề gồm phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; phòng, chống, giảm thiểu tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông; bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; phòng, chống biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thiên tai; phòng, chống trẻ em lao động trái quy định của pháp luật và các vấn đề khác mà các em quan tâm.

Trong khuôn khổ của Diễn đàn lần này, các đại biểu trẻ em được gặp gỡ, giao lưu với lãnh đạo của các bộ, ngành: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

Thông điệp của trẻ em

Hầu hết các câu hỏi, kiến nghị mà các em nhỏ nêu ra tại diễn đàn đều là những vấn đề bức thiết từ cuộc sống liên quan trực tiếp đến quyền trẻ em như: Xâm hại, lạm dụng tình dục trẻ em; tệ nạn xã hội; bạo lực học đường; tai nạn thương tích, đuối nước; ngược đãi trẻ em, bắt nạt trên môi trường mạng…

Lần đầu tiên được tham dự diễn đàn ở cấp quốc gia, em Đỗ Huỳnh Anh Thư, đến từ tỉnh Bình Dương bày tỏ niềm vinh dự, tự hào cùng với mong muốn chuyển tải thông điệp về phòng chống bạo lực học đường tới các cấp lãnh đạo.

“Diễn đàn trẻ em quốc gia thật sự có ý nghĩa, thông qua đó, chúng em được bày tỏ tiếng nói, nguyện vọng của mình đến các cấp, các ngành và toàn xã hội… Em mong muốn những diễn đàn như thế này sẽ được tổ chức nhiều hơn nữa..”. Anh Thư cho biết, sau diễn đàn này, khi trở về quê hương sẽ lan toả rộng rãi những thông điệp, những bài học từ diễn đàn đến bạn bè để cùng hiểu và ý thức hơn về quyền, trách nhiệm của mình cũng như mạnh dạn lên tiếng, tìm kiếm sự kết nối với những người lớn xung quanh mỗi khi có vướng mắc, khó khăn.

“Hiện nay, ngày càng nhiều trẻ em tham gia môi trường mạng. Tuy nhiên, không phải bạn nào cũng biết cách bảo vệ mình trước những thông tin sai lệch trên mạng. Vậy có cách nào giúp các bạn tỉnh táo và cảnh giác trong môi trường mạng hay không?”- Em Phạm Minh Ánh, học sinh lớp 9A5, Trường Trung học cơ sở Kim Đồng, Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh quan tâm và đặt câu hỏi tại diễn đàn. Ánh cho biết, không chỉ bản thân em mà rất nhiều các bạn học sinh khác khi vào mạng, luôn xuất hiện nhiều thông tin quảng cáo không phù hợp với lứa tuổi; nhiều đường link xấu mà khi ấn vào không biết cách để thoát ra. Từ thực tế này, Minh Ánh đề xuất, cần xây dựng những trang web hữu ích, phù hợp với các em hoặc có các phần mềm miễn phí hỗ trợ bảo vệ các em trên không gian mạng.

Cùng quan điểm, em Đồng Thị Khánh Linh, học sinh lớp 9 Trường tiểu học và trung học cơ sở Tân Nguyên, huyện Yên Bình, tỉnh Yên bái cũng mong muốn có hình thức bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, giúp các em phòng, tránh thông tin độc hại, ổn định tâm lý trước sự tấn công trên môi trường mạng.

Trong sáng nay (8/8), tại phiên đối thoại chính thức, các đại biểu trẻ em đã đọc và trao thông điệp diễn đàn trẻ em quốc gia đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Các em bày tỏ mong muốn được lãnh đạo các cấp lắng nghe, hiểu rõ các vấn đề của trẻ em và tác động tới trẻ em khi ra các quyết định.

Lắng nghe trẻ em bằng trái tim và sự thấu hiểu

Có thể nói mỗi một ý kiến, câu hỏi mà các em đặt ra tại diễn đàn đều là thông điệp nhắn gửi đến các bộ, ban ngành, chính quyền các địa phương, các bậc phụ huynh, gia đình, xã hội hãy quan tâm, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của trẻ để thấu hiểu, có cách hành xử đúng mực, tôn trọng trẻ em.

Lắng nghe những chia sẻ, câu hỏi của các bạn nhỏ nêu lên tại diễn đàn, Phó Thủ tướng chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng việc xây dựng một môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh không chỉ có ý nghĩa với trẻ em mà cả đối với sự phát triển bền vững của đất nước.

“Đây là chủ đề mang tính toàn cầu khi nhiều nơi trên thế giới đang xảy ra khủng hoảng như chiến tranh, nạn đói, dịch bệnh, thiên tai do biến đổi khí hậu. Điều đó cho thấy sự trưởng thành trong suy nghĩ, cũng như nhận thức của các em về trách nhiệm đối với nước nhà”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ VII năm 2023

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhắn nhủ, mỗi trẻ em tham dự diễn đàn, mỗi đóa hoa tiêu biểu của vườn hoa nghìn việc tốt hôm nay, cũng chính là một đại sứ để lan tỏa đến các bạn bè cùng trang lứa tình yêu thương để bạo lực không còn chỗ đứng trong môi trường học đường. Xây dựng không gian mạng an toàn không chỉ cần thiết cho trẻ em hôm nay mà còn hữu ích cho thế hệ mai sau, thành lập câu lạc bộ trẻ em nòng cốt để kịp thời phát hiện và hỗ trợ giữa các học sinh với nhau…

“Sau diễn đàn này, khi trở về địa phương, các em tiếp tục có những sáng kiến, cách làm phù hợp để cùng lãnh đạo địa phương, nhà trường, gia đình…giảm thiểu những rủi ro, tai nạn với chính các em; đồng thời đề nghị các bộ ngành cần tiếp tục triển khai những giải pháp để tạo lập môi trường an toàn, lành mạnh và thân thiện cho mọi trẻ em”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mong muốn.

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Trong những năm qua, Lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội luôn luôn quan tâm đến công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn quyền trẻ em ở Việt Nam, tạo lập môi trường sống an toàn, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương nhận thông điệp của Diễn đàn Trẻ em quốc gia lần thứ 7

Thời gian tới, với trách nhiệm được Chính phủ giao, Bộ sẽ tiếp tục tập hợp các ý kiến, thông điệp, khuyến nghị của trẻ em tại diễn đàn trẻ em quốc gia để cùng với các bộ, ngành, tổ chức có liên quan xem xét, tiếp thu, cập nhật trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án liên quan tới trẻ em.