DANH MỤC

EnglishVietnamese

Ước mơ của những “xương rồng nhỏ” Thụy An

Trung tâm phục hồi chức năng trẻ tàn tật Thụy An (xã Thụy An, huyện Ba Vì, Hà Nội) là ngôi nhà lớn của gần 200 em tàn tật hầu hết đến từ các tỉnh miền núi phía Bắc…

Thương (mặc áo chữ G) và các bạn trong nhóm nhảy Nghị Lực tham dự Vietnam’s Got Talent - Ảnh tư liệu

Đây là nơi những ước mơ nhỏ được nhen nhóm từng ngày, bởi nghị lực sống của các em vươn lên mạnh mẽ như loài xương rồng trên sa mạc khô cằn.

Mong ước không nói thành lời

Trung tâm phục hồi chức năng trẻ tàn tật Thụy An thành lập ngày 27-7-1976. Sau gần 37 năm thành lập và phát triển, đến nay trung tâm đã tiếp nhận, phục hồi chức năng cho gần 2.000 trẻ khuyết tật, 1.780 trẻ đã về địa phương, hòa nhập và thành công trong cuộc sống.

Đi khắp trung tâm, chúng tôi được nghe kể những câu chuyện kỳ lạ về các em khiếm thính nhóm nhảy Nghị Lực tập luyện để đi thi Vietnam’s Got Talent và vào đến vòng bán kết. Để lại ấn tượng nhiều nhất cho chúng tôi khi gặp nhóm Nghị Lực là một cô bé xinh xắn, vóc người nhỏ nhắn, trên môi lúc nào cũng thường trực nụ cười duyên. Sinh năm 1997, tuổi thơ của Nguyễn Thị Thương – tên cô bé ấy – vốn là chuỗi ngày sống trong bóng tối câm lặng.

Được tìm thấy khi đang lang thang một mình, nhếch nhác và run rẩy tại bến xe Yên Bái, không ai biết Thương đến từ đâu, gia đình có những ai, hoàn cảnh như thế nào. Không nghe nói được như những bạn bè bình thường, em được Trung tâm Bảo trợ tỉnh Yên Bái chuyển về Trung tâm Thụy An vào năm 2009, nơi em được học tập và sống trong môi trường giao tiếp đặc biệt cùng những người bạn đặc biệt.

Cô Vũ Thị Hoan, giáo viên lớp khiếm thính, người dõi theo Thương từ những ngày đầu em vào trung tâm, xúc động nhớ lại: “Ngày Thương về đây, em không cho ai đến gần, không hòa đồng được cùng bạn bè vì mặc cảm về thân phận mồ côi của mình, mặt em lúc nào cũng buồn buồn, nhìn tội lắm!”. Những ngày lễ tết được nghỉ dài, các bạn khác được bố mẹ đón về nhà, Thương bơ vơ thơ thẩn một mình, vậy nên nếu được thầy cô nào đón về nhà là em vui lắm.

Có lẽ sâu thẳm trong tâm hồn của cô bé tuổi trăng rằm kia, khát khao mãnh liệt nhất của em là có một mái ấm gia đình, có mẹ cha, có chị có em. Mỗi lần có người dưới xuôi lên trung tâm chơi, Thương đều háo hức nhắn nhủ bằng những nét viết ngập ngừng: “Anh giúp em tìm bố mẹ được không?”.

Thấm thoắt gần bốn năm trôi qua, cô bé Thương ngày nào còn rụt rè nhút nhát thu mình vào vỏ ốc ở góc lớp giờ học tới lớp 4, em đã trở thành một cô bé vui vẻ, luôn nhiệt tình tham gia cùng bạn bè thêu hoa, tập nhảy, làm tranh… Tâm sự với chúng tôi, Thương mong ước được gặp lại gia đình và sau này sẽ tiếp tục làm tranh đá quý. Mới học làm tranh đá quý được gần hai năm nay, nhưng những bức tranh của Thương đã được đưa ra bán ngoài thị trường. Trong cuộc thi Vietnam’s Got Talent vừa qua, Thương cũng tự tay làm một bức tranh tặng ban giám khảo.

Gặp “Nguyễn Ngọc Ký” của Thụy An

Những giọt mồ hôi rịn ra thấm đẫm cả chiếc áo sơmi trắng, những ngón chân quặp chặt chiếc bút di chuyển từng nét trên trang giấy trắng, bàn chân còn lại tì vào quyển sổ làm điểm tựa, hình ảnh đó làm tôi nghĩ ngay đến tấm gương hiếu học của thầy Nguyễn Ngọc Ký trong sách giáo khoa tiểu học. Nhưng nay, trước mắt tôi đó là cách cậu bé Nguyễn Anh Tuấn (sinh năm 1994, quê ở cụm 8, Sen Chiểu, Phúc Thọ, Hà Nội) viết nên những ước mơ của mình.

Là con trai duy nhất trong gia đình có ba chị em, Tuấn là niềm kỳ vọng lớn nhất của bố mẹ, nhưng tạo hóa trớ trêu không cho em được một đôi tay lành lặn, những ngón tay co quắp lại với nhau làm đôi tay em trở thành thừa thãi. Gánh nặng là con trai độc đinh đè nặng lên đôi vai bé nhỏ của em, đè cả lên những ký ức tuổi thơ đau đớn với sự ruồng bỏ của bố.

Tuấn nói việc em dùng chân để làm mọi thứ là sự thích nghi của em với cuộc sống của một người không lành lặn. Ngoài viết chữ em còn sử dụng máy vi tính thành thạo, những ngón chân nhanh nhẹn di chuột và gõ bàn phím không kém gì bàn tay bình thường. Tuấn nói: “Bị như vậy nhưng không bao giờ em cam chịu để khó khăn đè bẹp mình đâu!”.

Những trang thơ do Tuấn tự viết khiến người đọc không khỏi xúc động. Thơ là tiếng lòng của em về sự miệt mài vươn lên chinh phục những khó khăn thử thách cuộc sống đặt ra với em: Bước qua thử thách hỡi anh em. Đừng xem mình kém thèm không được. Thời gian đã bao giờ chạy ngược. Hết đến chông gai đến đường dài…

Tạm biệt Thụy An, mong sao một ngày không xa, ước mơ của Tuấn, Thương hay những em nhỏ tại đây mau thành hiện thực, để viết tiếp câu chuyện cổ tích thời nay về những “xương rồng nhỏ” biết sống mạnh mẽ ở nơi sa mạc khắc nghiệt…

CÁC TIN LIÊN QUAN

THÔNG TIN LIÊN HỆ

● Địa chỉ: xã Thụy An, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội
● Điện thoại: +84 2433965366 * +84 2433965378
● Hotline: +84 984258991
● Email: thuyancentre@yahoo.com,
phcnthuyan@molisa.gov.vn
● Website: www.thuyancentre.vn
● Fanpage: https://fb.com/trungtamthuyan

Bản đồ