DANH MỤC

EnglishVietnamese

Người thầy thuốc hết lòng vì trẻ em khuyết tật

Bài 1: Chỉ vì một chữ “Thương”!

(LĐXH) 12 năm đảm nhiệm “trọng trách” Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng (PHCN) người khuyết tật Thụy An, bác sỹ Trần Văn Lý luôn nỗ lực hết mình để xây dựng Trung tâm trở thành một đơn vị điển hình trong phục hồi chức năng toàn diện và khép kín cho trẻ khuyết tậ, sao cho có thể phát huy hết khả năng còn lại của các em, giúp trẻ sớm hòa nhập cộng đồng.

Bỏ phố về quê
Tôi có cuộc trò chuyện với BS Trần Văn Lý vào một ngày cuối tuần, khi ông mới từ nơi làm việc về nhà, trong làn gió thu se lạnh và cái nắng hanh hao của mùa thu Hà Nội, ngược dòng thời gian, ông tâm sự với tôi cơ duyên dẫn ông đến với nghề thầy thuốc và gắn bó với Trung tâm PHCN người khuyết tật Thụy An, với công việc chăm sóc, điều trị, dạy chữ, dạy nghề cho trẻ em khuyết tật cho đến bây giờ.
 Ông kể, ông sinh năm 1961 ở xã Mỹ Hà, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, mảnh đất giàu truyền thống hiếu học. Từ bé, cậu học sinh Trần Văn Lý đã có học lực tốt,  những năm cấp 3 còn là Bí thư Chi đoàn của lớp. Vào thời điểm những năm 70 – 80 của thế kỷ trước, người dân quê ông không may đau ốm nặng phải đưa đi bệnh viện thì thật gian nan, vất vả. Một lần mẹ ông bị tai nạn trong khi làm việc nhà, gia đình phải đưa đến bệnh viện huyện xử lý vết thương, hình ảnh những bác sỹ tất bật, căng thẳng cấp cứu bệnh nhân đã để lại trong ông những hình ảnh đẹp và ấn tượng sâu sắc. Từ đó, ông luôn mong ước sẽ trở thành bác sỹ để chữa bệnh cho người thân trong gia đình và người dân quê mình.
 
Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An
được xây dựng khang trang, tạo môi trường nuôi dưỡng, chăm sóc tốt cho người khuyết tật
Hơn 40 năm về trước, hầu như các gia đình ở nông thôn không có khái niệm “hướng nghiệp” cho con em mình. Với học lực, hạnh kiểm và lý lịch gia đình khi đó, nhiều người khuyên ông nên vào các trường của Ngành Công an, Quân đội, vì học ở đó sẽ “được ăn no”, bố mẹ không phải lo chỗ ở, cái ăn, cái mặc, nhưng ông vẫn quyết định thi và theo học Trường Đại học Y Thái Bình.
Kể từ khi tốt nghiệp Trường Y năm 1987, thời gian thấm thoắt trôi đi, bác sỹ (BS) Lý đã trải qua 20 năm công tác tại một số cơ sở y tế, trong đó từng có 6 năm làm việc tại Trung tâm PHCN người khuyết tật Thụy An. Ở độ tuổi xấp xỉ ngũ tuần với một gia đình hạnh phúc, 2 đứa con đủ nếp, đủ tẻ khỏe mạnh, ngoan ngoãn, một ngôi nhà khang trang tại một quận nội thành Hà Nội và vị trí Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn tại một Bệnh viện của Thủ đô, mọi thứ đối với ông tưởng như đã an bài một cách mỹ mãn.
BS Trần Văn Lý với trẻ em khuyết tật
Nhưng rồi như một cơ duyên, trong lần đi thăm người đồng nghiệp cũ là Giám đốc Trung tâm PHCN người khuyết tật Thụy An bị tai nạn, nhiều lần “sếp cũ” gợi ý ông quay trở lại Trung tâm Thụy An làm việc và đảm nhận vị trí Giám đốc Trung tâm. Lời đề nghị đó khiến ông băn khoăn, trăn trở rất nhiều vì nếu nhận lời sẽ phải xa gia đình, công việc khám bệnh, chăm sóc, PHCN đối với trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn có thu nhập thấp hơn trong khi môi trường làm việc vất vả, áp lực hơn… Song, càng trân quý hạnh phúc bình dị của mình, ông càng thương cảm những đứa trẻ từ khi sinh ra đã không may phải mang một cơ thể,  trí tuệ không bình thường và đồng cảm sâu sắc với những người cha, người mẹ có con khuyết tật, nhất là những gia đình không chỉ có một mà tới hai, ba người con khuyết tật. Ông nghĩ, với trình độ chuyên môn và kinh nghiệm của mình, nếu chấp nhận vị trí công tác mới ông sẽ có cơ hội hiện thực hóa các ý tưởng của mình để giúp đỡ nhiều trẻ em khuyết tật cải thiện tình trạng của các em. Hạnh phúc lớn nhất của ông là được làm những gì mình yêu thích, được giúp đỡ những người khuyết tật bằng tay nghề, hiểu biết của mình. Nghĩ vậy nên mặc dù gặp phải sự phản đối quyết liệt của vợ, sự can ngăn của bạn bè, người thân, ông vẫn quyết định từ bỏ vị trí Phó Giám đốc Làng Hòa Bình, Thanh Xuân (nay là Bệnh viện PHCN Hà Nội) để xách va li lên Trung tâm PHCN người khuyết tật Thụy An làm việc.
BS Lý khám cho trẻ khuyết tật
Trung tâm PHCN người khuyết tật Thụy An thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tọa lạc ở xã Thụy An, huyện Ba Vì, cách trung tâm Hà Nội gần 70 km. Vào năm 2008, khi ông quay trở lại làm việc, huyện Ba Vì vẫn thuộc tỉnh Hà Tây cũ, quang cảnh của Trung tâm buồn tẻ, cơ sở vật chất, đường đi lối lại còn rất khó khăn. Do đường xá xa xôi, để tiết kiệm thời gian đi lại và có thể toàn tâm, toàn ý cho công việc, ông ăn nghỉ ngay tại chỗ làm từ thứ 2 đến tối thứ 6 mới về nhà.
Xây dựng đơn vị điển hình về phục hồi chức năng toàn diện và khép kín
Theo BS Lý, cách thể hiện tình thương yêu, lòng nhân ái đối với trẻ em khuyết tật một cách thiết thực nhất không thể chỉ dừng lại ở tính chất nhân đạo qua sự chăm sóc đơn thuần, mà cần phải áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến, các phương pháp PHCN hiện đại của y học để phát huy hết khả năng còn lại của trẻ khuyết tật, giúp các em phục hồi tốt nhất và từng bước hòa nhập cộng đồng.
Theo phương pháp PHCN toàn diện của Tổ chức Y tế Thế giới là phải kết hợp giữa PHCN về thể chất và tinh thần. Tuy nhiên, ở tất cả các bệnh viện trên cả nước mới chỉ làm được việc PHCN về thể chất, còn PHCN về tinh thần thì chưa đơn vị nào có điều kiện thực hiện. Các trung tâm bảo trợ xã hội thì chủ yếu làm công tác chăm sóc, nuôi dưỡng chứ không có khả năng PHCN cho các em. Chính vì vậy, từ khi chính thức đảm nhiệm vị trí Giám đốc Trung tâm PHCN người khuyết tật Thụy An vào tháng 9/2008,  BS Trần Văn Lý bắt đầu triển khai các ý tưởng của mình, từng bước nâng cao chất lượng điều trị cho người khuyết tật, xây dựng Trung tâm trở thành một điển hình trong áp dụng phương pháp PHCN toàn diện và khép kín, nghĩa là từ một trẻ em khuyết tật được tiếp nhận vào Trung tâm sẽ được khám, phân loại và tùy mức độ khuyết tật được xúc tiến phục hồi về thể chất (phục hồi về y học), kết hợp PHCN về tinh thần, dạy văn hóa, hướng nghiệp, dạy nghề. Khi sức khỏe của các em ổn định căn cứ vào khả năng nhận thức, nguyện vọng và sức khỏe cho các em theo học một nghề phù hợp, khi có tay nghề ổn định Trung tâm sẽ trả các em về gia đình sống hòa nhập cộng đồng.
Các kỹ thuật viên Trung tâm PHCN người khuyết tật Thụy An
tập phục hồi chức năng cho trẻ em bị bại não.
Để giải quyết vấn đề nguồn nhân lực, yếu tố quan trọng nhất quyết định mọi thành công của một đơn vị, BS Trần Văn Lý chia sẻ: Do môi trường, điều kiện làm việc của Trung tâm vất vả, xa xôi, thu nhập lại không cao nên khó có thể tuyển dụng bác sỹ được đào tạo bài bản, tay nghề cao về làm việc và gắn bó lâu dài, vì vậy ông chọn phương án đào tạo tại chỗ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cách đây 12 năm, cả Trung tâm khi đó chỉ có 1 bác sỹ làm việc trực tiếp, thế mà ông “dám” cho bác sỹ đó đi học sau đại học và “thuê” một bác sỹ từ bệnh viện khác về tạm thời thay thế. Cứ mỗi năm ông tuyển chọn khoảng 10 người có năng lực để “đầu tư” cho đi học cao đẳng, đại học, sau đại học ở những chuyên ngành mà đơn vị đang cần, để sau đó những người này quay trở về làm việc lâu dài tại đơn vị.
 Để có đội ngũ cán bộ làm công tác PHCN về trí tuệ, tinh thần, ông tuyển dụng các sinh viên Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1 về làm việc, rồi vừa làm vừa tiếp tục cho đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Bên cạnh đó, ông thường xuyên mời các giáo sư, tiến sỹ, chuyên gia trong và ngoài nước về phục hồi chức năng, tâm lý, giáo dục đặc biệt tại các bệnh viện, trường đại học, cơ sở y tế lớn trên cả nước đến trao đổi kinh nghiệm, cập nhật kiến thức chuyên môn, “cầm tay chỉ việc” cho các cán bộ, nhân viên của Trung tâm.
Bản thân BS Lý cũng gương mẫu tự học tập, nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ. Hiện ông là bác sỹ chuyên khoa II duy nhất của Trung tâm, đồng thời là Ủy viên Hội PHCN Trung ương; Ủy viên Ban chấp hành Hội PHCN Hà Nội.
Nhân viên Trung tâm hướng dẫn trẻ em khuyết tật luyện tập trên
thiết bị tập vận động phục hồi chức năng
Với cách làm đó, đến nay, trình độ của đội ngũ bác sỹ, nhân viên y tế của Trung tâm PHCN người khuyết tật Thụy An đã được cải thiện rõ rệt. “Tuy ở khu vực nông thôn nhưng hiện nay Trung tâm có một đội ngũ bác sỹ, kỹ thuật viên, cán bộ, nhân viên có trình độ chuyên môn “đáng nể” được đào tạo chuyên sâu ở trong và ngoài nước. Trong số 90 cán bộ, nhân viên của Trung tâm thì có tới  35% có trình độ đại học trở lên, trong đó 1 bác sỹ chuyên khoa 1; 1 bác sỹ chuyên khoa 2; 5 bác sỹ, 5 thạc sỹ, …”, BS Lý tự hào cho biết.
Một lớp dạy văn hóa cho trẻ em khuyết tật
BS Nguyễn Ngọc Tân, Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa PHCN, Trung tâm Thụy An cho biết thêm: Trung tâm PHCN người khuyết tật Thụy An hiện là một đơn vị điển hình trong PHCN toàn diện, khép kín cho người khuyết tật, chất lượng, hiệu quả điều trị ngày càng được nâng cao. Trung tâm đã “tích hợp” được tất cả các phương pháp PHCN tiên tiến, hiện đại đang được áp dụng ở các bệnh viện, cơ sở y tế lớn ở nước ta để điều trị cho người khuyết tật như: ngôn ngữ  trị liệu, vận động trị liệu, hồng ngoại, tử ngoại, điện xung, điện phân, siêu âm, kéo giãn cột sống, điện từ trường, vi sóng… Trung tâm đã trở thành một địa chỉ đáng tin cậy của trẻ em khuyết tật. Mỗi năm, ngoài việc chăm sóc, điều trị, PHCN cho 300 trẻ khuyết tật theo nhiệm vụ thường xuyên, Trung tâm còn khám, chữa bệnh, tư vấn, PHCN cho hàng nghìn lượt bệnh nhân là người dân địa phương và trẻ em khuyết tật thuộc các đối tượng xã hội khác. Nhiều người ở các tỉnh phía Bắc bị chấn thương, tai biến mạch máu não cũng tìm đến Trung tâm xin điều trị và tiến triển rất tốt.
(Còn nữa)
Thảo Lan

CÁC TIN LIÊN QUAN

THÔNG TIN LIÊN HỆ

● Địa chỉ: xã Thụy An, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội
● Điện thoại: +84 2433965366 * +84 2433965378
● Hotline: +84 984258991
● Email: thuyancentre@yahoo.com,
phcnthuyan@molisa.gov.vn
● Website: www.thuyancentre.vn
● Fanpage: https://fb.com/trungtamthuyan

Bản đồ