DANH MỤC

EnglishVietnamese

Đi về đâu những đứa trẻ tự kỷ lớn tuổi?

Bất cập và nhức nhối

Đây là một vấn đề an sinh xã hội được Bác sĩ Trần Văn Lý – Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An (Ba Vì, Hà Nội) chia sẻ. Theo đó, bất cập của nhiều gia đình là mặc dù đã biết được mức độ tự kỷ của con em mình, việc can thiệp cũng đã được tìm hiểu và lựa chọn từ sớm nhưng không có hiệu quả, đặc biệt đối với các trường hợp tự kỷ nặng.

Vấn đề can thiệp cho nhóm đối tượng này đòi hỏi nhiều công sức, nhân lực, tốn kém về chi phí, do các cháu đã lớn tuổi, từ 13 tuổi trở lên, nhiều cháu đã khá to cao và những cháu 16 – 18 tuổi, thậm chí lớn hơn và không còn là trẻ nữa.

Bản chất của nhóm đối tượng tự kỷ này là rối loạn hành vi, đặc biệt là tăng động và không có ngôn ngữ, vì vậy việc quản lý rất khó khăn, nhiều cháu to cao hơn các cô, những hành vi bất thường, đập phá đồ đạc, xô đẩy có thể khiến các cô giáo ngã,… do đó, các trung tâm tư nhân hầu như không nhận.

Trẻ tự kỷ lớn tuổi với nghề đan lát tại Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An.

Theo Bác sĩ Trần Văn Lý, hiện nay, trung tâm đang thí điểm can thiệp một số đối tượng trẻ tự kỷ lớn tuổi và người tự kỷ nặng, tuy nhiên do còn hạn chế về cơ sở vật chất nên số lượng tiếp nhận chưa được nhiều.

Qua thí điểm can thiệp, một số vấn đề cần được quan tâm như chỗ ở, khu vực sinh hoạt phải được thiết kế riêng để vừa phòng tránh gây ra thương tích cho trẻ khác, giáo viên, người phục vụ,… vừa đảm bảo không gian cho các hoạt động vận động thể chất, giải tỏa năng lượng cho trẻ tự kỷ.

Nhóm đối tượng này được tập trung đào tạo tại khu vực riêng, trong đó việc đánh giá năng lực các nhóm được tiến hành rất kỹ từ hành vi cho đến khả năng nhận biết để có thể phân loại ra thành các nhóm khác nhau. Từ đó, đưa ra giải pháp can thiệp, điều chỉnh hành vi bằng những hoạt động cụ thể trong lớp giúp giảm tăng động, rối loạn hành vi,…

Tới đây, khi cơ sở vật chất được tăng cường, trung tâm sẽ đẩy mạnh tiếp nhận đối tượng dịch vụ. Góp phần giải quyết vấn đề an sinh xã hội và trợ giúp hiệu quả nhóm đối tượng yếu thế này.

Tăng cơ hội hòa nhập cộng đồng

Trao đổi về lớp can thiệp trẻ tự kỷ lớn tuổi, Cô giáo Trịnh Thị Hiền – giáo viên tại Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An cho biết: Hiện trung tâm đang thí điểm 2 lớp cho hơn 20 em tự kỷ ở dạng nặng, có 2 cô quản lý và 3 cô giáo dạy cá nhân cho các em. Một trong những nội dung chủ yếu là dạy kỹ năng tự lập hàng ngày. Đặc biệt là các kỹ năng tự lập như tự đi vệ sinh, tự đánh răng, rửa mặt, tự cầm bát, cầm thìa ăn cơm,…

Đây là vấn đề được chỉ dẫn đơn giản và phát triển tự nhiên đối với hầu hết trẻ em bình thường, tuy nhiên với các em bị tự kỷ ở mức nặng thì là cả một vấn đề.

Can thiệp cá nhân cho trẻ tự kỷ.

Ở lớp tự kỷ lớn tuổi, rất đa dạng tật và mức độ khuyết tật về trí não, hành vi chủ yếu là tăng động, vô thức, nhiều em đến đây kêu khóc dai dẳng, gào thét, đập phá mọi thứ xung quanh. Vì vậy, giáo viên phải tạo ra các hoạt động phù hợp cho các em, buổi sáng hướng dẫn tập thể dục, thu hút sự tập trung của các em vào công việc đơn giản như nhặt rau, rửa rau, hoặc các việc giản đơn khác để giảm thiểu chứng tăng động.

Khi mới vào, hơn 90% các em chưa biết cầm bàn chải đánh răng, không biết cầm thìa để xúc cơm, các thầy cô phải tự tay cầm xúc hàng ngày và những kỹ năng này được đưa vào các tiết học cá nhân để dạy cho các em,… Các cô giáo giảng dạy cá nhân phải kiên trì uốn nắn từng kỹ năng hành vi thông thường nhiều lần cho mỗi em.

Qua thời gian kiên trì uốn nắn, một số em đã có tiến bộ đáng kể, cụ thể trường hợp một em được phát hiện tự kỷ từ lúc 6 tuổi đến nay 16 tuổi, tình trạng lúc vào trung tâm chỉ có hành vi cáu giận, la hét, đập phá, không thực hiện được những kỹ năng tự phục vụ cơ bản,… Sau quá trình can thiệp em đã biết tự phục vụ bản thân, biết tự giặt quần áo, lau nhà, biết tô viết,…

Ở lớp tự kỷ lớn tuổi cũng có trường hợp năm nay đã gần 20 tuổi, tự kỷ rất nặng và đã được can thiệp tại nhiều nơi nhưng chưa có kết quả, lúc vào trung tâm vẫn chưa thể tự vệ sinh cá nhân, mà các thầy cô phải phục vụ. Qua một thời gian can thiệp tại trung tâm, em này đã bước đầu có tiến bộ, bắt đầu biết cầm chổi quét nhà, nhặt rau, tự vò quần áo,…

Với việc can thiệp hiệu quả và tiến bộ của trẻ tự kỷ lớn tuổi trong việc giải quyết các vấn đề cá nhân, nhóm đối tượng này sẽ có thêm nhiều cơ hội quay lại với gia đình và hòa nhập cộng đồng.

Tuy nhiên, quá trình thí điểm đến nay cũng mới đang hiệu quả đối với trên 50% các em đang can thiệp, số còn lại chuyển biến chậm và chưa được như kỳ vọng. Tới đây, chương trình can thiệp cho các em này tại trung tâm sẽ tiếp tục được điều chỉnh để có được kết quả tốt hơn.

“Công việc ở đây rất vất vả, đặc biệt là những ngày thời tiết thay đổi, hành vi của các em thường cũng bị thay đổi theo hướng tiêu cực với tình trạng la hét, phá phách gia tăng,… Chúng tôi nhận thấy hoàn cảnh của các em là rất đáng thương, từ việc làm của mình chúng tôi muốn chia sẻ gánh nặng đối với các gia đình và các em có hoàn cảnh không may mắn này.” – Cô giáo Hiền chia sẻ!

CÁC TIN LIÊN QUAN

THÔNG TIN LIÊN HỆ

● Địa chỉ: xã Thụy An, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội
● Điện thoại: +84 2433965366 * +84 2433965378
● Hotline: +84 984258991
● Email: thuyancentre@yahoo.com,
phcnthuyan@molisa.gov.vn
● Website: www.thuyancentre.vn
● Fanpage: https://fb.com/trungtamthuyan

Bản đồ